Điện mặt trời mái nhà: Bộ KH-ĐT nói cơ chế của Bộ Công thương chưa hấp dẫn

(VNF) – Đánh giá về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện mặt trời mái do Bộ Công thương soạn thảo, Bộ Kh-ĐT cho rằng, dự thảo mới đưa ra các cơ chế khuyến khích chung, chưa thực sự tạo ra được cơ chế có tính hấp dẫn, thu hút việc đầu tư vào hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Điện mặt trời mái nhà: Bộ KH-ĐT nói cơ chế của Bộ Công thương chưa hấp dẫn

Bộ KH&ĐT đề xuất cho phép lắp điện mặt trời mái nhà tại các trụ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam.

Tại khoản 4 Điều 3 dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam quy định: “theo Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành có các thuật ngữ: “trụ sở chính”, “trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh”. Do vậy, đề nghị cân nhắc việc sử dụng khái niệm về trụ sở của doanh nghiệp để phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và văn bản hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, đề nghị rà soát, làm rõ nội dung, ý nghĩa của quy định “… không bao gồm các trụ sở có hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại”.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Điều 4 về cơ chế khuyến khích và các yêu cầu, Dự thảo mới đưa ra các cơ chế khuyến khích chung, chưa thực sự tạo ra được cơ chế có tính hấp dẫn, thu hút việc đầu tư vào hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Vì vậy, tại văn bản góp ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường theo chức năng nhiệm vụ xây dựng chương trình hỗ trợ người dân, tổ chức tham gia vào việc đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà với các chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể.

“Đặt ra các mục tiêu cụ thể, được lượng hóa trong từng giai đoạn nhằm phấn đấu đặt được mục tiêu “đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất.

Cùng với đó, Bộ này cũng đề xuất cho phép nhà đầu tư hợp tác với người dân, tổ chức sở hữu/sử dụng nhà, tòa nhà, công sở đề lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu theo thỏa thuận giữa hai bên. “Dự thảo cần đề xuất miễn hoặc giảm các loại thuế, phí cụ thể cho nhà đầu tư, đánh giá dự phù hợp của kiến nghị này với các quy định pháp luật có liên quan”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.

Với nội dung tại khoản 2 Điều 4, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Công Thương làm rõ cơ sở pháp lý về thẩm quyền của quy định miễn giấy phép hoạt động điện lực.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không có quy định về “giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo thì phạm vi điều chỉnh của Quyết định không bao gồm hoạt động kinh doanh điện (tự sử dụng, không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác). Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã và các văn bản hướng dẫn thi hành thì giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cấp cho các cá nhân, tổ chức tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh (doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh). Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cân nhắc, bỏ quy định liên quan đến “giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện”.